Nghệ thuật hát chèo

Những nét riêng của Nghệ Thuật Hát Chèo

Từ bao đời nay, chèo đã đi vào tâm thức người Việt, đặc biệt là người nông dân trong xã hội xưa, như một phần tất yếu của cuộc sống. Đến với chèo, mọi người không chỉ được tận hưởng những phút giây thư giãn đầy tiếng cười, mà còn có cơ hội trải nghiệm và suy ngẫm về sự đời. Chính vì vậy chèo mang trong mình những giá trị, những đặc điểm của xã hội và con người Việt Nam qua từng thời kì lịch sử. Trong đó, nghệ thuật chèo là một trong những yếu tố được nhiều người quan tâm hơn cả.

Nhắc đến nghệ thuật chèo, trước hết phải nói đến nghệ thuật sử dụng lời văn. Lời nói, câu hát trong chèo đa phần sử dụng ngôn ngữ quen thuộc, giản dị, bắt nguồn từ cuộc sống thường nhật của nhân dân. Vậy nên ngôn ngữ chèo mang đậm dấu ấn của tiếng Việt với khả năng vận dụng đầy linh hoạt và khéo léo các thành ngữ, tục ngữ, ca dao của người nghệ sĩ. Chính vì điều này mà ta thấy lời văn của chèo luôn giàu tính nhạc và đầy hình ảnh. Không chỉ vậy, văn chèo còn hay mượn những câu thơ trau chuốt trong các tác phẩm Nôm nổi tiếng, đặc biệt là “Truyện Kiều” hay thơ văn của các văn sĩ cổ điển, rồi thay đổi cho phù hợp và biến chúng thành ngôn ngữ đặc trưng cho các nhân vật. Người nghệ sĩ khi diễn chèo sẽ sử dụng linh hoạt ba thể: phú (thường dùng để gợi hình và mô tả nhân vật), tỷ (diễn ý bằng so sánh, ví von để làm nổi bật tâm tư nào đó) và hứng (dùng cảnh vật gợi người xem, nghe liên tưởng) để thể hiện rõ phân cảnh và vai mình đảm nhận. Lời chèo có hai loại chính là nói (ngâm) và hát. Dù là loại nào thì trong đó cũng luôn tuân theo vần luật và âm điệu, thêm vào những quãng đệm nên rất dễ nghe, dễ thuộc.

Những nét riêng của Nghệ Thuật Hát Chèo

Người nghệ sĩ khi diễn chèo sẽ nghe theo nhạc mà biết được độ dài ngắn, nhanh chậm của động tác và tình cảm của câu hát để biểu hiện.

Bên cạnh văn chèo, nhạc chèo cũng giữ vai trò vô cùng quan trọng trong nghệ thuật hát chèo, hay nói cách khác, nhạc chèo chính là phần hồn của mỗi vở diễn. Người nghệ sĩ khi diễn chèo sẽ nghe theo nhạc mà biết được độ dài ngắn, nhanh chậm của động tác và tình cảm của câu hát để biểu hiện. Nhạc chèo cũng chính là phương tiện đặc biệt để mô tả hoàn cảnh và nội dung nhân vật. Nhân vật không nói mình buồn, mà chỉ cần nghe nhạc cũng có thể thấu rõ nỗi đau đớn, day dứt trong tâm tư họ. Nhân vật không nói mình vui, mà nhạc đã truyền tải đầy đủ sự phấn khởi, hạnh phúc. Có thể nói, nhạc chèo là thứ âm thanh kì diệu và gợi hình, gợi tả đối cả với người diễn và người xem. Dàn nhạc chèo cổ gồm ba bộ chính là bộ dây, bộ gõ và bộ hơi. Trong đó, bộ gõ với dàn trống giữ vai trò rất quan trọng. Tiếng trống không chỉ mang lại cảm hứng cho mọi người, mà còn dẫn dắt vở chèo từ đầu đến khi kết thúc. Những người hay xem chèo có thể dựa vào tiếng trống mà nhận biết các phần, phân cảnh và nội dung của vở diễn.

Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng là đặc trưng độc đáo và thú vị của chèo. Trong chèo có hai loại vai chính: vai chín (thường để miêu tả những người tốt, người có tài) và vai lệch (đại diện cho những con người độc ác, xấu xa hoặc không theo đúng chuẩn mực đạo đức. Nhân vật chèo thường mang tính ước lệ, chuẩn hóa và mô hình hóa. Tính cách của các nhân vật thường không thay đổi với chính vai diễn đó. Nhiều vai phụ có thể đổi đi và lắp lại ở bất cứ vở nào, nhất là các vai Hề , nên hầu như không có tên riêng. Tuy nhiên, qua thời gian, một số nhân vật như Thị Kính, Thị Mầu, Súy Vân đã thoát khỏi tính ước lệ và trở thành một nhân vật có cá tính riêng. Trong đó, vai hề có thể được xem là một trong những vai đặc biệt nhất mà chèo cổ đã xây dựng được. Hề là nhân vật gây cười, thông qua các trò diễn của mình mà làm bật lên tiếng cười ròn rã, liên tục đối với người xem. Có hai loại diễn hề: loại thứ nhất gây cười bằng ngôn ngữ, thường là sử dụng ngoa ngữ, lộng ngữ, phản ngữ để cường điệu hóa sự việc nhằm gây cười. Loại thứ hai thường gây cười bằng hành động, như những trò giễu cợt hoặc tự giễu mình. Nhìn chung, vai hề là nơi gửi gắm những suy nghĩ của nhân dân xưa về chế độ phong kiến thối nát, mang tính đả kích, châm biếm tầng lớp thống trị.


Sân khấu của chèo đơn giản, thuần Việt với một chiếc chiếu trải giữa sân đình và một màn mỏng màu đỏ ngăn cách hậu trường với phía ngoài

Bên cạnh đó, phương pháp sân khấu cũng mang lại nhiều giá trị riêng cho nghệ thuật chèo. Không gian và thời gian trong chèo rất rộng, tiến triển rất nhanh nên cho phép người xem liên tưởng nhiều hơn và có thể tạo ra nhiều phân cảnh trên cùng một thời điểm. Sân khấu của chèo khá đơn giản, nhưng rất thuần Việt với một chiếc chiếu trải giữa sân đình và một màn mỏng màu đỏ ngăn cách hậu trường với phía ngoài. Bố cục này vừa tạo ra không khí trang nghiêm nơi sân đình, vừa mang lại cảm giác quen thuộc, ấm áp. Người đến xem cũng được quy định chỗ ngồi riêng, chứ không phải thích ngồi đâu cũng được: trẻ con ngồi bệt ở phía trên gần sân khấu, các cụ già ngồi trên ghế phía sau, bên phải các cụ là nam giới, bên trái các cụ là nữ giới. Như vậy khi xem chèo sẽ không bị lộn xộn, mà ai cũng có thể thưởng thức hết vở diễn.

Có thể thấy, chèo là một trong những nét văn hóa đặc trưng cho xã hội và con người Việt Nam. Nghệ thuật chèo cũng mang đậm dấu ấn từ những gì thân thuộc, giản dị và gần gũi đối với đời sống nhân dân. Dù vậy, chèo vẫn mang trong mình những nét tinh tế, đặc sắc của một môn nghệ thuật được bao thế hệ yêu mến và nâng niu.

Nguồn: Toixedich

Bạn đã xem chưa

0 nhận xét | Viết lời bình

Copyright © 2014 Nghệ thuật hát chèo